menu_open
[Infographic] Nhà vườn Huế - Nét kiến trúc giao hòa cùng thiên nhiên
Xem cỡ chữ:
Nhà vườn Huế không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hoá đặc sắc trong phong cách sống của người dân cố đô. Trải qua biết bao năm tháng, thời gian vẫn không làm phai mờ vẻ đẹp văn hóa-nghệ thuật, kết tinh thành vẻ đẹp kiến trúc nhuần nhị trên mỗi di tích nhà vườn.

Huế là một thành phố vườn, cả thành phố là một công trình kiến trúc vĩ đại, ở đâu cũng thấy một màu xanh mát dịu của sông hồ, đồi núi, cây cỏ. Khi xây dựng cố đô Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc cổ đã dùng núi Ngự Bình làm tấm bình phong để che chắn những gì sâu xa không xâm nhập vào ngôi nhà của mình là Kinh Thành và Đại Nội. Sông Hương trở thành một cái hồ phẳng lặng để soi bóng các công trình kiến trúc nghệ thuật ở đôi bờ. Thuật phong thủy gọi phần thủy điện đó là "minh đường", một bộ phận phải có ở trước mặt các công trình kiến trúc. Trên sông lại nổi lên hai hòn đảo nhỏ, là Cồn Hến và Cồn Dã Viên, được dùng làm "Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ", chầu về ở giữa đảo để bảo vệ Cố đô. Khu vườn Cố đô rộng lớn ấy được quy hoạch và xây dựng với những đường nét đối xứng rõ rệt. Và đặt biệt là người xưa rất quan tâm đến sự thưa thoáng của không gian kiến trúc. 

KTS Hoàng Đạo Kính nhận xét: “Huế - một đô thị không gào thét; một đô thị khảm nạm vào thiên nhiên và thiên nhiên vẫn còn ngự trị với vai trò chủ đạo…”. 

Người Huế đã thu gọn không gian kiến trúc ấy vào trong các khu vườn của mình với một bố cục tương tự. Mãi cho đến ngày nay, người Huế vẫn bảo lưu được một số nhà vườn truyền thống như thế. Ai đã từng đi dạo trong vườn nhà bà Lan Hữu ở Kim Long hay vườn nhà cụ Đô ở vùng Gia Hội, hoặc một số nhà vườn khác ở Vĩ Dạ, Phường Đúc, An Cựu, Bao Vinh, Chợ Cống... chắc đều cảm thấy lòng mình trở nên thanh bình yên ổn. Màu sắc đậm của cỏ cây, hương thơm nhẹ tỏa ra từ hoa trái, tiếng chim hót líu lo trong không gian tĩnh mịch làm cho lòng người thư thái, nhẹ nhàng và thấy mình được sống thật gần gũi với thiên nhiên đầm ấm. 

Mỗi khu vườn như vậy là một thế giới biệt lập, rộng một vài mẫu hoặc năm ba sào, bao bọc bằng lũy tre xanh hay hàng rào chè tàu được cắt xén ngay ngắn tươm tất. Trong phạm vi ấy ngoài ngôi nhà vườn kiến trúc bằng gỗ quý chạm khắc tinh tế dùng để thờ tổ tiên, vài ngôi nhà phụ dùng cho con cháu ăn ở, không gian còn lại là sân vườn với ao hồ bể cạn, non bộ, bình phong, giếng nước và đôi khi còn có cả ngôi mộ của người đã có công tạo lập ra cơ ngơi ấy. 

Đa số nhà vườn Huế tập trung nhiều ở nội thành và vùng phụ cận như các khu phố Gia Hội, Kim Long, Nguyệt Biều, Bao Vinh và Vĩ Dạ. Bởi lẽ, thời xưa đây là nơi các ông hoàng, bà chúa, các quan lớn xây dựng phủ đệ cho mình.

Mỗi khu vườn Huế là một thế giới biệt lập, rộng một vài mẫu hoặc năm ba sào

Không cầu kỳ vương giả như vườn Cung, vườn Lăng, vườn nhà Huế đơn giản nhưng không kém phần tao nhã sang trọng. Vườn nhà thường được rào chắn bằng một hàng chè tàu hay dâm bụt được cắt xén cẩn thận. Kiến trúc chính trong vườn là ngôi nhà rường bằng gổ được chạm trổ tỉ mỉ, trang trí công phu làm nơi thờ tụ gia tiên, bên cạnh là nhà phụ làm nơi ở cho các thành viên trong gia đình. Không gian còn lại là vườn cây, bể cá, hòn non mộ... Diện tích mỗi nhà vườn Huế thường từ 1.000 m2 đến 15.000 m2 với rất nhiều loại cây trái mang hương vị của cả hai miền Nam, Bắc như hồng nhung, nhãn, măng cụt, xoài, thanh trà, cam, quýt...

Người ta đi vào vườn bằng một cổng nhỏ xây bằng vôi gạch, hoa cỏ trồng dọc lối đi. Nhưng lối đi ấy không bao giờ được trở thẳng vào gian giữa của ngôi nhà chính, vì đây là gian nhà thiêng liêng dành để thờ phụng tổ tiên. Lối đi ấy được chặn lại bằng một tấm bình phong cao quá đầu người và phải rẽ qua hướng khác để vào sân nhà. Tấm bình phong có thể xây bằng vôi, gạch, tô nối hình chữ "Thọ" chữ "Phúc" hay một trong những hình ảnh của "Tứ linh" nhưng cũng có thể là một hàng cây dâm bụt, hoặc một dãy chè tàu đơn giản. 

Lối vào nhà vườn Huế thường được lát gạch và có hai hàng dãy tàu xanh mướt

Sau tấm bình phong là hòn non bộ, nhưng đôi khi chính hòn non bộ ấy còn giữ chức năng của tấm bình phong. Non bộ là những cảnh sơn thủy hữu tình được chủ nhân yêu thích và thường do chính bàn tay mình thu nhỏ lại. Ở đó có núi đồi, hang động, hoạt của con người. Và cũng có thể có đủ bốn hình ảnh: ngư, tiều, canh, mục. Với chiếc bể cạn xây gần hòn giả sơn, chủ nhân thường trồng lên đó một số hoa cỏ sống được cả 4 mùa: mai, lan, cúc, trúc, hoặc mai, liên, cúc, tùng tượng trưng cho tứ thời: xuân, hạ, thu, đông. 


Tấm bình phong riêng có trong những ngôi nhà vườn Huế 

Trong khu vườn Huế, trồng nhiều loại cây lưu niên để cho bóng mát, quả chín bốn mùa. Không thiên hẳn về mục đích kinh tế, chủ nhân ở đây chỉ muốn bảo tồn một phong cách sống gần gũi với môi trường của con người. Người Huế đã thể hiện lòng khát khao chế ngự thiên nhiên của mình bằng cách khái quát không gian rộng lớn và thời gian vô cùng vào trong bố cục của sân vườn. Nhà vườn Huế thể hiện rõ nét thú tiêu khiển thanh tao, sự chăm sóc kiên trì, tưới bón cẩn thận, bàn tay tài hoa và khối óc đầy chất văn hóa của chủ nhân. 

Sản phẩm du lịch nhà vườn đang là một thế mạnh không thể phủ nhận của du lịch Huế

Đứng trầm mặc giữa khu vườn tươi đẹp là ngôi nhà rường truyền thống. Nhà rường được làm bằng gỗ, kết cấu thay vì đóng đinh là kỹ thuật ghép mộng mực tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng, nhỏ thì một gian hai chái, ba gian hai chái, hoặc rộng lớn năm gian hai chái. Trong nhà thường trưng bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối và rất nhiều đồ cổ. Sáng hay chiều, trong khu vườn đều ngập tràn tiếng chim hót líu lo, hương hoa ngát thơm giữa không gian tĩnh mịch, khiến cho lòng người thư thái, nhẹ nhàng. Mỗi khu vườn như vậy là một thế giới biệt lập, một không gian xanh toàn bích. 

Hiện nay, nhà vườn vẫn còn nhiều ở các phường Kim Long, Gia Hội, Phú Hiệp, Vỹ Dạ, Phường Đúc, An Cựu, Bao Vinh, Nguyệt Biều... Theo thống kê sơ bộ, tại 25 phường, xã thuộc địa bàn thành phố Huế còn được 4.228 nhà vườn có diện tích từ 400m- 600m2 trở lên, trong đó còn 705 nhà rường và 186 nhà cổ thuộc diện quý hiếm...

Theo sau những đô thị phát triển theo chiều hướng hiện đại, sản phẩm du lịch nhà vườn đang là một thế mạnh không thể phủ nhận của du lịch Huế. Tiêu biểu như nhà vườn An Hiên ở Kim Long hay vườn nhà cụ Đô ở Gia Hội, nhà vườn công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn Gia Hưng vương, nhà vườn phủ Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Thường Lạc…

Nhà vườn là một nét đặc trưng trong nhân văn Huế. Không thiên hẳn về mục đích kinh tế như một số nơi khác, chủ nhân ở đây vừa dùng nó để nuôi dưỡng chính mình, vừa để bảo tồn một phong cách sống đẹp của con người. 

----------
Nguồn ảnh: Sưu tầm

Khám phá Huế tổng hợp